Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường
Ngoài việc theo dõi mức đường huyết thường xuyên, uống thuốc đầy đủ đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ thì việc có một chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường phù hợp là điều cực kỳ quan trọng. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát được mức đường huyết trong máu, kiểm soát cân nặng, tránh các yếu tố gây nên các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Khi lượng đường trong máu tăng cao trong một thời gian dài, rất nhiều bộ phận trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng nhất là hệ thần kinh, thận và tim. Do vậy việc giữ một mức đường huyết ổn định là việc làm tối quan trọng. Người bệnh tiểu đường nên hạn chế hấp thụ tinh bột và chất béo. Xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất là một việc làm cần thiết.
Các nguyên tắc cơ bản, đơn giản
Nguyên tắc cơ bản nhất trong chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tiểu đường là hạn chế tinh bột, hạn chế đường và chất béo. Bên cạnh việc hạn chế các chất nêu trên người bệnh cần tăng cường rau xanh các loại trái cây ít ngọt để cung cấp chất xơ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Nguyên tắc quan trọng thứ hai là người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn. Người bệnh có thể ăn 5-6 bữa ăn trong một ngày. Điều này có nghĩa rằng mỗi bữa ăn người bệnh không nên ăn quá no, chỉ ăn vừa đủ. Việc này có tác dụng tránh cho cơ thể cùng lúc hấp thụ quá nhiều lượng đường. Bên cạnh đó đối với người bệnh đang sử dụng thuốc hạ đường huyết liều cao việc các bữa ăn cách quá xa nhau có nguy cơ dẫn đến hạ đường huyết vào cuối mỗi buổi.
Đối với người tiểu đường có thêm những bệnh lý khác thì chế độ dinh dưỡng lại có phần thay đổi. Ví dụ người bệnh tiểu đường kèm theo bệnh tim mạch thì nên hạn chế các thức ăn nhiều muối, nhiều cholesterol. Cách tốt nhất là người bệnh nên thăm khám ở bác sĩ dinh dưỡng để có một chế độ ăn phù hợp nhất đối với mỗi người.
Người ta thường hay sử dụng thuật ngữ “kiềng ba chân” đối với người bệnh tiểu đường. Đó là chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập vừa phải, dùng thuốc đúng liều và thường xuyên. Do vậy mà ngoài việc dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng thì chế độ luyện tập cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. Vận động thường xuyên và vừa phải giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giảm các nguy cơ xảy ra các biến chứng.
Cuối cùng người bạn nên theo dõi đường huyết thường xuyên. Ngày nay các máy đo đường huyết sử dụng tại nhà đã rất phổ biến và giá thành tương đối hợp lí. Mỗi người bệnh nên sắm cho mình một máy đo đường huyết tại nhà. Với công cụ này bạn có thể dễ dàng theo dõi mức đường huyết của mình thường xuyên. Dựa vào sự thay đổi mức đường huyết này bạn có thể tự điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho hợp lý.
Khi mắc bệnh tiểu đường, chúng ta phải chuẩn bị cho mình một tinh thần lạc quan. Phải xác định rằng bệnh tiểu đường hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Chúng ta có thể phải sống chung với nó trong một khoảng thời gian rất dài. Do vậy việc có một chế độ dinh dưỡng hợp lý là một việc làm mà bạn có thể tự áp dụng để khống chế mức đường huyết. Khi mức đường huyết đã được không chế trong một phạm vi cho phép thì căn bệnh này sẽ trở nên không có gì đáng ngại nữa.