Bệnh tiểu đường và cách phòng tránh
Bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường là chứng bệnh rối loạn chuyển hóa làm cho lượng đường trong máu cao hơn so với mức bình thường của cơ thể. Bệnh tiểu đường có thể xảy ra bất kỳ người nào mà không có một nguyên nhân cụ thể. Trong đó nhóm người thừa cân hoặc gia đình có tiền sử bị bệnh tiểu đường thì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
Cơ thể người mắc bệnh tiểu không thể tự chuyển hóa các chất bột đường có trong thực phẩm hằng ngày thành năng lượng. Việc này dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Nếu lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài thì cơ thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, mắt, thần kinh, thận, …
Có bao nhiêu loại bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường type 1: loại này khá ít gặp, chiếm khoảng 10 % số lượng người mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân chính của loại này là do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm và phá hủy các bộ phận sản xuất insulin. Do cơ thể không tự sản xuất được insulin, người mắc bệnh loại này phải sống cả đời phụ thuộc vào lượng insulin được tiêm vào cơ thể từ bên ngoài. Bệnh tiểu đường type 1 chủ yếu xuất hiện ở trẻ em và người trẻ tuổi.
Bệnh tiểu đường type 2: loại này xuất hiện chủ yếu ở người có tuổi. Tuy nhiên trong thời gian gần đây bệnh ngày càng được trẻ hóa. Có hai nguyên nhân chính gây ra loại bệnh này. Nguyên nhân thứ nhất là tuyến tụy không tiết ra đủ insulin để cơ thể chuyển hóa hết lượng đường được nạp vào cơ thể. Nguyên nhân thứ hai là tuyến tụy tiết ra đủ insulin nhưng cơ thể không sử dụng lượng insulin này một cách hiệu quả (trường hợp này còn được gọi là cơ thể đề kháng insulin). Do vậy lượng đường cũng không được chuyển hóa hết.
Tiểu đường thai kỳ: loại bệnh này xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Mặc dù đái tháo đường thai kỳ sẽ chấm dứt khi kết thúc quá trình mang thai. Tuy nhiên trong suốt quá trình này người bệnh cũng cần được tư vấn và điều trị một cách hợp lý để tránh những tác động xấu đến cả mẹ và bé. Đối với trường hợp này, trong quá trình mang thai, một số hormon làm tăng đề kháng insulin (giảm khả năng tác dụng của insulin). Khi phát hiện ra việc này, tuyến tụy sẽ tăng khả năng sản xuất insulin để bù vào những thiếu hụt. Tuy nhiên nếu tuyến tụy không tiết đủ lượng thiếu hụt thì cơ thể sẽ bị dư lượng đường trong máu gây nên bệnh đái tháo người thai kỳ.
Làm thế nào để phòng bệnh đái tháo đường
Như thông tin ở trên, chúng ta biết rằng có ba loại bệnh đái tháo đường. Đái tháo được type 1 và đái tháo đường thai kỳ gần như không có cách gì để phòng bệnh. Nhưng đối với loại đái tháo đường type 2, chúng ta có thể có một số phương cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường hiệu quả như dưới đây.
Giảm cân
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để khống chế bệnh đái tháo đường type 2 là giảm cân. Giảm cân làm cho cơ thể nhạy cảm hơn đối với insulin và làm giảm mức độ đề kháng insulin của cơ thể. Khi cơ thể sử dụng lượng insulin được tuyến tụy tiết ra hiệu quả thì lượng đường trong máu sẽ giảm xuống.
Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng những người đang trong tình trạng tiền đái tháo đường (mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức gọi là bệnh) nên giảm trọng lượng cơ thể 10 % để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên tốt cho cơ thể và đặc biệt tốt cho người bệnh đái tháo.
- Tập thể dục sẽ đốt đi lượng mỡ thừa trong cơ thể giúp cơ thể giảm cân. Mà giảm cân là yếu tố hàng đầu quyết định việc không chế bệnh tiểu đường.
- Tập thể dục giúp đốt đi lượng đường thừa trong cơ thể, giúp hạ đường huyết.
- Tập thể dục làm tăng độ nhạy của cơ thể đối với insulin giúp cho cơ thể sử dụng lượng insulin do tuyến tụy tiết ra một cách hiệu quả, góp phần giảm lượng đường trong máu.
Ăn uống lành mạnh
Người mắc bệnh tiểu đường hay tiền tiểu đường nên chọn cho mình các loại dinh dưỡng chứa ít đường và tinh bột, chứa nhiều chất xơ. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ có rất nhiều lợi ích:
- Góp phần làm chậm quá trình hấp thụ lượng đường
- Ngăn cản việc cơ thể hấp thụ chất béo và cholesterol
- Giảm cảm giác thèm ăn làm cơ thể lâu cảm thấy đói hơn
Người bệnh đái tháo đường nên sử dụng các chất béo lành mạnh hay còn gọi là chất béo tốt. Một số nguồn chất béo tốt mà người bạn có thể sử dụng: dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu Oliu, … các loại hạt như: đậu phụng, hạt bí ngô, … các loại cá như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, …
Ngoài ra để tránh cơ thể hấp thụ cùng lúc một lượng đường quá nhiều người bệnh có thể chia nhỏ các bữa ăn ra. Mỗi ngày có thể an 5-6 bữa.
Không hút thuốc, rượu beer vừa phải
Theo các nghiên cứu, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn người bình thường khoảng 50%, đặc biệt là ở nữ giới. Do vậy nên bỏ hút thuốc để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.
Thật là khó để nói không với bia rượu. Nhưng để giữ cơ thể được khỏe mạnh chúng ta cần sử dụng lượng bia rượu vừa phải. Uống rượu bia quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Sử dụng rượu bia quá nhiều có thể gây viêm tụy, làm giảm khả năng hoạt động sản xuất insulin của tuyến tụy. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lượng đường trong máu.
Kiểm tra lượng đường định kỳ
Đối với người chưa mắc bệnh tiểu đường chúng ta không cần thiết phải kiểm tra đường huyết một cách quá thường xuyên. Nếu được chúng ta nên kiểm tra đường huyết mỗi 6 tháng một lần. Việc phát hiện bệnh sớm, phát hiện được trạng thái tiền đái tháo đường giúp chúng ta điều chỉnh chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống góp phần không đưa cơ thể vào trạng thái bệnh đái tháo đường.
Ngày nay việc kiểm tra mức đường trong máu rất đơn giản, bạn hoàn toàn có thể tự làm được tại nhà. Nếu được mỗi gia đình nên trang bị cho mình một máy đo đường huyết tại nhà, chi phí cũng không cao lắm. Với dụng cụ đơn giản này, định kỳ bạn có thể kiểm tra mức đường huyết cho tất cả các thành viên trong gia đình bạn.